Thuật ngữ “Sandbox” đã xuất hiện từ lâu tại nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới và trở thành khởi điểm thành công cho nhiều ý tưởng, mô hình táo bạo. Tại Việt Nam, liệu có nên mang những ý tưởng này áp dụng cho ngành công nghiệp thang máy?
Sandbox là gì?
Sandbox là một thuật ngữ, xuất phát từ ngành máy tính và là một môi trường thử nghiệm. Đến nay, khái niệm này là cách thức để nói về những mô hình thử nghiệm hoàn toàn mới về cơ chế, chính sách trong một phạm vi hẹp.
Các mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, các sản phẩm, dịch vụ mới như xe tự hành, công nghệ y tế (MedTech), công nghệ tài chính (Fintech),… từng xa lạ nay cũng đã dần trở nên phổ biến đều là các sản phẩm của Sandbox.
Trên thế giới, 73 Sandbox đã được thông báo thiết lập trong lĩnh vực Fintech tính đến tháng 8 năm 2020. Trong khu vực Đông Nam Á, 6 nước đã thiết lập Sandbox gồm: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines. Tuy nhiên, cơ chế này ở Việt Nam cho đến nay vẫn còn rất hạn chế cả về số lượng, quy mô và tính khả thi cho các doanh nghiệp.
Cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox)
Sự xuất hiện của các sản phẩm, dịch vụ mới đặt ra thách thức cho các cơ quan làm chính sách, khi pháp luật lại chưa có quy định hoặc không cho phép hoạt động của những sản phẩm, dịch vụ này. Cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) được coi là một giải pháp để điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ công nghệ mới chưa được kiểm chứng hoặc dự liệu bởi các quy định pháp luật.
Đối tượng điều chỉnh của Cơ chế quản lý thử nghiệm thường là các sản phẩm tài chính sáng tạo, sản phẩm ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Những “khung pháp lý thử nghiệm” Sandbox áp dụng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có ứng dụng công nghệ (fintech, blockchain,…) hay doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ) sẽ được tiến hành trong một không gian và thời gian được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, thử nghiệm Sandbox cũng có thể thất bại, nên việc cho phép thử nghiệm Sandbox cần đi kèm với các biện pháp bảo vệ thích hợp để bảo vệ cho hệ thống tài chính quốc gia.
Vì sao Sandbox chưa trở nên quen thuộc tại Việt Nam?
Vấn đề là việc sợ hãi thất bại đang khiến hạn chế động lực của các doanh nghiệp để dám đề xuất, dám thử nghiệm. Số lượng các cơ chế thí điểm cho đến nay là rất ít, phạm vi của cơ chế thí điểm cũng rất hẹp, chỉ áp dụng cho một loại sản phẩm, dịch vụ cụ thể (taxi công nghệ, tiền di động). Mặt khác, cơ chế thí điểm không thực sự “miễn trừ” quy định của pháp luật. Ý tưởng của việc xây dựng Sandbox là cho phép doanh nghiệp được miễn thực hiện những nghĩa vụ nhất định. Nhìn vào các cơ chế thí điểm đã có, dường như các cơ chế này đang cố tạo ra không gian bổ sung bên cạnh các quy định sẵn có, thay vì “phá bỏ” các quy định này.
Chính bởi thế, cơ chế thử nghiệm – Sandbox đã xuất hiện từ lâu nhưng lại chưa quen thuộc với các doanh nghiệp Việt.
Khi Cơ chế thử nghiệm Sandbox chưa thực sự tạo ra sân chơi cho doanh nghiệp, khó tránh được việc lãng phí các ý tưởng kinh doanh độc đáo
Ở Việt Nam hiện nay, hàng loạt câu hỏi về việc khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư, kinh doanh, quản lý tiền mã hóa/ tiền ảo,… vẫn còn bỏ ngỏ. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để “rủi ro” len lỏi khắp ngõ ngách trong cuộc sống. Khoảng trống của pháp luật đã tạo ra “đất” để một số loại tội phạm thực hiện các giao dịch phi pháp,… qua các hình thức kinh doanh, gọi vốn, mua bán tiền mã hóa trá hình mà vụ đổ bể tiền ảo iFan gây chấn động vừa qua là một ví dụ.
Ở một góc độ khác, dường như các doanh nghiệp ngoại đang nhận được nhiều ưu đãi vượt trội so với doanh nghiệp nội về các chính sách thuế, phí. Tất nhiên những chính sách này cũng hướng đến các lợi ích nhất định cho quốc gia nhưng sự bất công len lỏi là có làm tồn tại và làm hạn chế động lực sáng tạo của các doanh nghiệp nội.
Việc xây dựng các cơ chế Sandbox để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có “góc sân và khoảng trời” cho những ý tưởng thử nghiệm là cần thiết.
Và phạm vi ứng dụng của cơ chế thử nghiệm này cũng nên mở rộng thay vì chủ yếu là các ngành công nghệ, tài chính. Mô hình kinh tế chia sẻ đã được ứng dụng với một số nhóm doanh nghiệp nhưng hầu hết đều đang mang tính tự phát, nghĩa là các thỏa thuận dân sự đơn thuần dựa trên các quy định sẵn có. Nhưng nếu có một sự bứt phá về sự cởi mở trong các cơ chế thử nghiệm, “liều lĩnh” hơn để không sợ thất bại, mạnh dạn tìm kiếm thành công thì rất có thể sẽ có nhiều hơn cơ hội cho thị trường Việt Nam.
Ví dụ, chưa ai từng nghĩ đến một mô hình kinh doanh trực tuyến, khi mà người bán và người mua hoàn toàn không cần tương tác trực tiếp vào thế kỷ XX. Ấy thế nhưng thế kỷ XXI đã chứng minh cho ta thấy sự thành công lan tỏa của những Amazon, Tiki, Lazada,… và thậm chí là kinh doanh trực tuyến trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok. Những hình thức kinh doanh này ra đời và phát triển rồi các quy định về thuế, kiểm soát chất lượng,… mới đang dần được hoàn thiện. Liệu còn những mô hình kinh doanh hay mô hình doanh nghiệp nào độc đáo hơn nữa đang đón đợi? Rất có thể cơ chế Sandbox sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp mạnh dạn nêu lên và phát triển.
Có nên mang những ý tưởng táo bạo về Sandbox áp dụng cho ngành thang máy?
Có thể khẳng định rằng Sandbox chính là cơ hội để nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam bứt phá. Đặc biệt là với những ứng dụng công nghệ trong thời đại 4.0, tiềm năng này sẽ còn lớn hơn và chúng ta cũng cần cởi mở hơn để “rộng đường” cho các doanh nghiệp dám thử sức.
Chúng ta cũng từng chứng kiến không ít các mô hình kinh tế có tầm ảnh hưởng vượt quá sự kiểm soát của Chính phủ sẽ dẫn tới một động thái mang tính cưỡng bức: Không quản nổi thì cấm. Tuy nhiên, những năm gần đây, tư duy chiến lược về chính sách kinh tế vĩ mô đã dần có sự cởi mở, cơ chế quản lý kinh tế đã chuyển sang trạng thái mềm dẻo hơn là thay vì ngăn cấm thì để các ý tưởng tự do phát triển trong môi trường có kiểm soát. Đó chính là Sandbox.
Ngoài tài chính và công nghệ, Sandbox cũng có thể ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhằm thúc đẩy sự phải triển bứt phá
Cần lưu ý rằng thang máy mới được đưa vào danh mục các mặt hàng sản xuất được trong nước kể từ tháng 11/2014, chưa được 8 năm tính tới thời điểm này. Ngành công nghiệp thang máy mới đang chập chững những bước đầu tiên. Theo một quy luật khách quan, những cơ chế, chính sách quản lý, kích thích tăng trưởng với một lĩnh vực mới sẽ có nhiều khó khăn, đôi khi vô hình trung lại trở thành những rào cản làm chậm tốc độ phát triển của ngành.
Điều đó buộc chúng ta cần phải đề xuất những ý tưởng táo bạo về Sandbox cho ngành thang máy!
Nguồn: tapchithangmay.vn
Hạo Phương là nhà nhập khẩu và phân phối các thiết bị điện công nghiệp của các thương hiệu lớn trên thế giới. Đồng thời Hạo Phương cũng là nhà thầu xây dựng công trình và tích hợp hệ thống công nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Quý khách hàng có nhu cầu vui lòng liên hệ qua Hotline: 1800 6547
Hoặc để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất!