Giới khoa học Mỹ vừa chế tạo một loại da điện tử phát sáng khi có lực tác dụng và nó có thể đáp ứng những thay đổi nhỏ từ môi trường
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Materials ngày 21/7, nhóm khoa học Đại học California, Berkeley đã thiết kế loại da điện tử siêu mỏng có thể phát ra ánh sáng khi có vật chạm vào. Nếu lực tác động càng mạnh thì da điện tử càng sáng hơn.
Sản phẩm da điện tử làm từ lớp nhựa và cao su chịu lực nhạy cảm
Mỏng hơn tờ giấy, da điện tử có một mạch dẫn bằng bạc và đèn LED hữu cơ cùng với các màng mỏng bán dẫn làm từ nano carbon. Khi có lực tác động, các tín hiệu sẽ được xử lý và đèn LED sẽ phát sáng với nhiều ánh sáng khác nhau như màu đỏ, xanh lá cây hoặc màu vàng.
Thay vì sử dụng để tạo ra những bộ đồ bắt mắt, nhóm khoa học cho rằng, con người này nên sử dụng công nghệ này làm màn hình thông minh, các thiết bị theo dõi y tế, hoặc ứng dụng trong công nghệ chế tạo robot. Bên cạnh đó, các loại cảm biến áp lực do nhóm nghiên cứu ở Berkeley phát triển có thể được sử dụng trong việc làm da nhân tạo cho tay chân giả.
Nhiều năm qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều tài liệu và hệ thống khác nhau để chế tạo loại da có thể cảm nhận nhiệt độ, áp suất như da thật. Với công nghệ này, giới khoa học hy vọng một ngày nào đó họ có thể biến robot bình thường thành một cỗ máy tương tác và có thể biến đổi để đáp ứng những thay đổi nhỏ của môi trường.