Vừa qua, nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Robotics Việt Nam đã chết tạo thành công cánh tay robot 5 bậc tự do ứng dụng trong đào tạo.
Thực tế sử dụng cánh tay robot trong đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay
Nhiều trường đại học, cao đẳng và dạy nghề về công nghệ – kỹ thuật đã có chương trình đào tạo về robot. Nhưng hình thức đào tạo chủ yếu là lý thuyết và mô phỏng. Sinh viên ít có điều kiện và cơ sở vật chất để thực hành.
Một số trường có trang bị cánh tay robot thực hành nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên việc sửa chữa, bảo hành những thiết bị này cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do phụ thuộc vào nhà cung cấp.
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Robotics Việt Nam đã thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo robot 5 bậc tự do phục vụ đào tạo”. Dự án nằm trong Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Cơ quan chủ quản của dự án này là Bộ Khoa học và Công nghệ.
Kết quả của dự án
Sau 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công robot 5 bậc tự do VNR -T1. Robot này có kiểu khớp xoay dạng đứng. Mẫu robot này có khối lượng 15 kg, có kích thước để bàn. Nó có thể làm việc trong bán kính tối đa 610 m. Các khớp xoay của robot được dẫn động bằng các động cơ và bộ điều khiển có tính chính xác cao.
Robot 5 bậc tự do VNR-T1 đáp ứng các kiểu thực hành như một robot công nghiệp hoạt động độc lập, hoặc được điều khiển từ máy tính thông qua mạng Internet.
Khác với robot đào tạo của các hãng tiên tiên trên thế giới. Cấu hình của robot VNR-T1 cho phép học viên can thiệp vào cả hệ cơ khí (tháo lắp) và hệ điều khiển. Việc này được thực hiện thông qua giao diện người dùng (hệ thống mở). Tùy vào mục đích hay nhiệm vụ, học viên sẽ tương tác với hệ thống bằng nhiều cách. Ví dụ như thông qua phím điều khiển, nhập dữ liệu, lập trình điều khiển. Hoặc khảo sát các giải thuật và giám sát kết quả trên màn hình máy tính.
Kỹ sư Lê Anh Kiệt – Giám đốc công ty Robotics Việt Nam đang giới thiệu robot VNR-T1
Ngoài ra, với robot này, các trường và các cơ sở đào tạo có thể thay đổi lập trình ở nhiều lớp để chủ động trong việc giảng dạy. Điều này thường không có ở các sản phẩm ngoại nhập. Vì mỗi yêu cầu thay đổi với robot giảng dạy sẽ bị tính phí.
Mẫu robot 5 bậc tự do này mở ra nhiều triển vọng
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tự động hóa, robot này có khả năng kết nối dây chuyển sản xuất linh hoạt. Ngoài ra nó có khả năng phát triển thành robot công nghiệp. So với robot nhập khẩu, sản phẩm của Việt Nam có giá bằng một nửa (khoảng 200 triệu đồng). Nhưng chúng có thể đáp ứng đầy đủ các chức năng trong đào tạo về robotics.
Robot VNR-T1 có giá chỉ bằng một nửa so với sản phẩm cùng loại ngoại nhập
Dự án đã chế tạo và chuyển giao cho hơn 10 trường đại học/cao đẳng ở TP.HCM, Hà Nội, Huế, Bình Dương, Nam Định. Ví dụ như ĐH Việt Đức, ĐH Bách khoa Hà Nội, CĐ Công nghiệp Huế… Thiết bị này còn được cung cấp cho một số công ty về thiết bị đào tạo. Sản phẩm sẽ bắt đầu thương mại hóa trong tương lai gần.
Công ty Robotics Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm robot VNR-T1 theo hướng thay đổi vật liệu và gia công. Mục đích là để giảm trọng lượng và giá thành. Từ nền tảng này, công ty sẽ triển khai các ứng dụng của robot 5 bậc tự do trong công nghiệp. Ví dụ như lắp ráp, mài – đánh bóng, hàn sản phẩm. Và đặc biệt là ứng dụng cho công tác đào tạo.
Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện robot VNR-T1
Theo vnexpress